HƯỚNG DẪN ĐI MÁY BAY LẦN ĐẦU

07/10/2021

Di chuyển bằng máy bay đang trở nên phổ biến với tất cả mọi người. Tuy nhiên, quy trình làm thủ tục có thể hơi phức tạp với một số người đi máy bay lần đầu. Những chuyến bay quốc tế, thủ tục xuất nhập cảnh và những lưu ý khi bay transit cũng có thể khiến nhiều người lúng túng. Để không gặp phải bất cứ rắc rối nào, bạn nên tìm hiểu 12 kinh nghiệm cần biết khi đi máy bay được Autic.vn chắt lọc và tổng hợp.

Hướng dẫn đi máy bay lần đầu Hướng dẫn đi máy bay lần đầu

 

1. CHUẨN BỊ TRƯỚC CHUYẾN BAY

 1.1. Mua vé máy bay như thế nào? 

Hiện nay, mua vé máy bay cực kỳ đơn giản và thuận tiện, các bạn có thể mua vé trực tiếp hay qua các đại lý. Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín và được hỗ trợ tốt nhất những nhu cầu phát sinh sau khi mua vé, anh chị nên chọn cho mình một đại lý vé máy bay uy tín hoặc mua qua những người thân đang cộng tác bán vé với Đại lý vé máy bay.

Vé máy bay khi mua trước ngày bay khoảng 1-2 tháng thường sẽ rẻ hơn khi bạn mua sát ngày. Mùa vụ cũng là yếu tố ảnh hưởng tới giá vé máy bay.

Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể canh vé máy bay giá rẻ trong các chương trình khuyến mãi. Những vé này thường rẻ hơn rất nhiều so với bình thường, tuy nhiên những vé rẻ này có nhược điểm là thời gian săn vé vé ngắn,số lượng vé mua được ít và không được trả lại vé khi đã mua.

Để tiết kiệm thời gian mà vẫn săn được vé rẻ, hãy đăng ký săn vé và cập nhật những chương trình khuyến mãi tại Autic.vn.

 1.2. Chuẩn bị giấy tờ gì? 

Vé máy bay

Khách tới sân bay cần chuẩn bị vé máy bay dưới dạng sau:

  • Ảnh vé máy bay trên điện thoại, máy tính bảng…
  • Code vé 
  • Thẻ lên máy bay sau khi check-in online (in ra hoặc dừng trực tiếp trên điện thoại)

 

Các giấy tờ có thể sử dụng khi bay nội địa:

  • Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân
  • Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang
  • Thẻ Đại biểu Quốc hội
  • Thẻ Đảng viên
  • Thẻ Nhà báo
  • Giấy phép lái xe ô tô, mô tô
  • Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia
  • Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam
  • Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận
  • Trẻ em dưới 14 tuổi: giấy khai sinh.

Các giấy tờ cần thiết khi bay quốc tế:

  • Hộ chiếu đối với tất cả các chuyến bay quốc tế
  • Visa đối với khách đi quốc tế nếu nước bạn đến yêu cầu.

 1.3. Chuẩn bị hành lý như thế nào?

Đầu tiên, vì lý do an ninh nên bạn không được phép mang theo các vật dụng có tính sát thương như dao, kéo, vật dụng, chất gây nổ,… Ngoài ra, mỗi hãng còn có những quy định riêng về danh mục các mặt hàng không được mang theo, bạn nên tham khảo trước thông tin của hãng hàng không bạn đi.

Thứ hai, những đồ dùng, hành lý mà bạn mang theo khi lên máy bay sẽ chia làm hai loại. Vì vậy, bạn nên sắp xếp hành lý của mình theo 2 loại như sau:

Hành lý xách tay (Hand/Cabin luggage): là hành lý mà bạn mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ để hành lý này lên giá phía trên ghế ngồi hoặc dưới gầm ghế hoặc có thể giữ bên mình. Thông thường quy định về hành lý xách tay là không được vượt quá 7kg và tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 115cm (56cm x 36cm x 23cm).

Hành lý ký gửi (Checked luggage): thường là hành lý nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục check-in, hành lý này sẽ được để ở khoang hành lý riêng của máy bay, bạn chỉ có thể lấy đồ tại sân bay đến. Theo quy định thì hành lý ký gửi không được vượt quá 32kg và tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 119cm x 119cm x 81cm.

Khối lượng hành lý được mạng sẽ tùy theo vé máy bay mà bạn mua trước đó, nhớ hỏi rõ số lượng hành lý có sẵn và mua thêm trước nếu có nhu cầu. Mua hành lý tại sân bay mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều đó !

 

1.4. Đến sân bay trước bao lâu và bằng phương tiện gì?

Các hãng hàng không đề khuyến cáo bạn:

  • Đối với các chuyến bay nội địa: Bạn nên đến sân bay trước giờ bay tầm 2h
  • Đối với các chuyến bay quốc tế: Bạn nên đến sân bay trước giờ bay từ 2h30 đến 3h

Từ đó, các bạn có thể cân đối thời gian với một số lưu ý sau:

  • Nếu bạn đi vào ngày lễ tết, giờ cao điểm, có trẻ nhỏ, nhiều hành lý … nên tới sớm hơn.
  • Bay chuyến tối muộn, sáng sớm, sân bay vắng người, không có hành lý ký gửi, đã check-in online trước … những trường hợp đó bạn có thể tới sân bay muộn hơn một chút nhưng đừng muộn quá 1 tiếng trước giờ bay nhé.

Di chuyển tới sân bay:

Tùy vào từng đầu sân bay mà có những cách thức di chuyển khác nhau phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên dịch vụ phổ biến nhất tại tất cả các đầu sân bay nội địa và quốc tế vẫn là xe taxi.

Nếu muốn tiết kiệm hơn, bạn có thể tham khảo xe bus sân bay tại từng thành phố.



2. THỦ TỤC TẠI SÂN BAY VÀ NHỮNG LƯU Ý TRÊN MÁY BAY

 2.1. Làm thủ tục check-in

Check-in onlines: Với một số chuyến bay đi từ các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, bạn có thể check-in online trước từ 48-24h trước giờ bay.

Với trường hợp check-in tại sân bay:

Khi tới sân bay, bạn hãy nhanh chóng tìm tới khu vực sảnh đi/ ga đi (Departure) để làm thủ tục. Sảnh đi thường ở tầng 2 với những sân bay có trên 2 tầng. Tại đây bạn có thể lựa chọn check in tại kiosk, check in tại quầy thủ tục.

- Tại kiosk: Bạn tìm đúng kiosk hãng hàng không bạn sẽ bay, nhập mã vé và tiến hành check in. Kiosk sẽ in thẻ lên tàu bay, bạn nhớ chờ lấy thẻ rồi qua cửa kiểm tra an ninh.

- Check-in tại quầy: Với trường hợp có hành lý ký gửi, có em bé đi cùng, hãy check-in tại quầy làm thủ tục của hãng. Quầy thủ tục các hãng sẽ mở trước giờ khởi hành 3 tiếng với chuyến bay quốc tế và 2 tiếng với chuyến bay nội địa. Thời gian check-in sẽ kết thúc 40-45 phút trước giờ bay. Nếu quá giờ này vẫn chưa làm thủ tục xong, xin chia buồn với bạn, hãy tìm phương án xử lý tiếp theo với đại diện của hãng hàng không tại sân bay!

  • Tìm quầy check-in bằng cách tìm bảng thông báo các chuyến bay -  đối chiếu số hiệu chuyến bay để tìm vị trí quầy làm thủ tục.
  • Khi check-in: 

Đầu tiên, nhân viên tại quầy check-in sẽ kiểm tra vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/Visa của bạn, nếu có đồ gửi bạn đưa lên bàn cân, nhân viên có thể sẽ kiểm tra luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lệ không.

Sau khi xong thủ tục tại quầy, nhân viên check-in sẽ đưa lại cho bạn vé máy bay , các giấy tờ liên quan, thẻ lên máy bay (Boarding Pass) và cuống vé tương ứng với hành lý ký gửi.

Từ lúc này đến lúc lên máy bay, bạn sẽ dùng thẻ lên máy bay thay thế cho vé máy bay. Trên thẻ này ghi địa chỉ phòng đợi tức là cổng (gate) mà bạn sẽ phải có mặt trước khi lên máy bay, thời gian phòng đợi mở cửa, số ghế (seat) trên máy bay của bạn.

Một số lưu ý:

  • Check-in kiosk nhanh gọn nhưng chỗ ngồi sẽ được lấy ngẫu nhiên, nếu đi cùng bạn bè, người thân sẽ khó được ngồi cạnh nhau.
  • Nếu vé của bạn chưa ghi vị trí chỗ ngồi mà bạn muốn chọn chỗ thì nên đến sớm hơn để xếp hàng. Hãy đề nghị với nhân viên check-in để được ngồi cạnh cửa sổ hay cạnh lối đi theo mong muốn, nếu còn chỗ trong hạng tương ứng của bạn nhân viên sẽ sắp xếp cho bạn theo yêu cầu nhưng sẽ không chọn được chỗ ngồi cạnh nhau.
  • Ngoài ra, hạng Business hay First class có quầy check-in riêng, chỉ khi nào không có khách đi hạng này mà có đông khách đợi ở các hạng khác thì các nhân viên mới linh động làm thủ tục cho khách các hạng khác ở quầy này.

 2.2. Thủ tục xuất cảnh (bay quốc tế) 

Nếu đi các chuyến bay quốc tế, bạn phải làm thủ tục xuất cảnh. Tùy theo mỗi sân bay thì bước kiểm tra an ninh có thể diễn ra trước hoặc sau khi làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, bạn đưa hộ chiếu/visa cho nhân viên hải quan, nhân viên hải quan sẽ xem xét và đóng dấu vào hộ chiếu của.

  • Hộ chiếu của bạn phải còn hạn tối thiểu 6 tháng tính từ ngày bay về.
  • Làm visa trước đối với các nước yêu cầu visa thị thực.

 2.3. Kiểm tra an ninh như thế nào? 

Hành lý xách tay của bạn sẽ được đưa qua máy quét và bạn sẽ đi qua một cổng từ. Các đồ kim loại như chìa khóa hay điện thoại,áo khoác, ví, dây lưng, Giấy dép… bạn nên cho ra khay để qua đường máy quét, tránh làm mất thời gian của cả hai bên một cách không cần thiết.

Lưu ý kiểm tra đồ đạc kỹ trước khi rời quầy kiểm tra an ninh. Rất nhiều trường hợp quên CMND, ví, điện thoại trong những khay đựng đồ sau khi kiểm tra an ninh.

Việc xếp hàng kiểm tra an ninh vào phòng chờ có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ vào dịp cao điểm. Bạn nên cân đối thời gian, tránh la cà bên ngoài quá lâu.

Bước kiểm tra an ninh là các thủ tục cuối cùng tại sân bay. Nếu chưa đến giờ bay, bạn có thể đợi ở phòng chờ.

 

 2.4. Làm gì trong phòng chờ tại sân bay? 

Vào tới phòng chờ sân bay, việc đầu tiên nên làm là xác định vị trí cửa ra máy bay và thời gian ra máy bay (trước giờ bay khoảng 30p).

Sau đó, mọi người có thể tự do khám phá phòng chờ. Thưởng thức đồ ăn, thức uống, mua hàng lưu niệm miễn thuế hoặc tạn hưởng những dịch vụ đẳng cấp trong phòng chờ thương gia. Tại phòng chờ, thường thì anh chị cũng có thể ngắm nhìn quang cảnh ngoài sân bay, xem máy bay cất cánh, hạ cánh.

Tuy nhiên, anh chị nên để ý giờ và thông báo lên máy bay, cổng lên máy bay sẽ đóng trước giờ bay 20 phút !

 

2.5. Lên máy bay như thế nào? 

Khoảng 30 phút trước giờ bay, tại cửa ra nhân viên sẽ kiểm tra lại một lần thẻ lên máy bay (Boarding pass) để tránh nhầm chuyến và cân lại hành lý xách tay lại nếu nghi ngờ gian lận mang quá cân. 

Sau khi qua cửa, hành khách sẽ bắt đầu được đưa lên máy bay bằng ống lồng hoặc di chuyển bằng Shuttle Bus.

Sau khi lên máy bay, bạn sẽ tìm và ngồi vào số ghế được ghi trên Boarding Pass của mình.

 

 2.6. Khi máy bay cất cánh

Tùy theo bạn đặt vé của hãng hàng không nào cũng như hạng vé của bạn thì mỗi người sẽ có những dịch vụ đi kèm khác nhau như xuất ăn, đồ uống. 

Khi bắt máy bay bắt đầu cất cánh, tiếp viên sẽ hướng dẫn an toàn bay, cài dây an toàn, hướng dẫn thoát hiểm khi có sự cố.

Sau khi máy bay cất cánh và bay ổn định ở độ cao khoảng 10.000m, các tiếp viên bắt đầu phục vụ đồ ăn, uống trên máy bay.

 

2.7. Lưu ý trên máy bay:

Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, anh chị tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện tử. Trong quá trình bay, nếu sử dụng phải bật chế độ máy bay. Tránh gây nhiễu sóng ảnh hưởng tới tín hiệu điều khiển bay.

Cài chặt dây an toàn trong suốt chuyến bay, không di chuyển khỏi vị trí trong suốt quá trình cất cánh và hạ cánh.

Khi bay những chuyến bay đường dài, thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy đi lại cho đỡ mỏi và tập các động tác để thư giãn cơ thể.

Trong suốt chuyến bay, bạn có thể xin nước uống bất cứ lúc nào. Nếu lạnh bạn cũng có thể yêu cầu tiếp viên cho mượn chăn để đắp

 

3. NHỮNG LƯU Ý KHI XUỐNG SÂN BAY, KẾT THÚC CHUYẾN BAY

 3.1. Xuống máy bay

Ở bước này hành khách nhận hành lý và xếp hàng ra cửa theo hướng dẫn của phi hành đoàn. Sau đó di chuyển về ga đến bằng ống lồng hoặc xe Shuttle bus.

Sau khi tới sảnh đến, nếu có hành lý ký gửi hãy xem thông tin trên bảng điện tử và di chuyển tới băng chuyền tương ứng với chuyến bay của mình và đợi nhận đồ.

Nếu không tìm thấy đồ của mình hoặc đồ đạc hỏng, vỡ bạn phải thông báo ngay đến phòng khai báo mất đồ/thất lạc (Lost and Found) hoặc liên hệ với hãng hàng không của chuyến bay mà bạn vừa đi và đưa ra cuống vé tương ứng với hành lý bị thất lạc. Nếu bạn đi ra khỏi khu vực này mà chưa khai báo mất/thất lạc đồ thì bạn không thể vào lại mà khiếu nại được nữa.

Nếu không có hành lý gửi, bạn có thể đi thẳng ra luôn.

 3.2. Thủ tục nhập cảnh (chuyến bay quốc tế)  

Nếu bạn đi Transit, điểm dừng này hoàn toàn độc lập với điểm đến tiếp theo (không chung visa nhập cảnh). Ví dụ:bạn đi từ Hà Nội đến Mỹ và Transit tại Hàn Quốc: HÀ NỘI – SEOUL – CALIFORNIA . Khi đó nếu bạn đã có Boarding Pass của chặng tiếp theo (ICN – SJC) thì bạn có thể đến thẳng phòng đợi hoặc xem trên bảng điện tử. Nếu chưa có Boarding Pass thì bạn có thể tìm đến Transfer Desk để hỏi và làm thủ tục check – in cho chặng tiếp theo.

Nếu bạn đi Transit, điểm dừng này và điểm đến tiếp theo có chung visa nhập cảnh. Ví dụ: Bạn đi từ Hà Nội đến New York (Mỹ), transit tại Los Angeles (Mỹ): HÀ NỘI – LOS ANGELES – NEW YORK, bạn sẽ phải làm thủ tục nhập cảnh ở Los Angeles trước sau đó mới đi chặng tiếp theo. Vì chặng tiếp theo LOS ANGELES – NEW YORK là chặng bay nội địa.

Làm thủ tục nhập cảnh

Ở sân bay có rất nhiều quầy làm thủ tục nhập cảnh cho các trường hợp khác nhau. Bạn cần chú ý biển báo, một số quầy dành cho nhân viên ngoại giao/công vụ, một số dành cho người bản địa, một số dành cho người nước ngoài.

Tại quầy làm thủ tục nhập cảnh, bạn sẽ trình hộ chiếu/visa cho nhân viên hải quan. Nhân viên hải quan có thể sẽ đóng dấu hoặc dán thêm một số giấy tờ liên quan. Tùy theo từng nước mà bạn có thể phải điền vào một vài mẫu đơn quy định trước hoặc phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc nhập cảnh mặc dù giấy tờ của bạn hoàn toàn hợp lệ.

Nếu bạn đi transit tuyến nội địa, bạn sẽ được hướng ra cổng tương ứng. Ngược lại, nếu đây là điểm đến cuối cùng của bạn thì hãy đi thẳng ra khu vực lấy đồ.

3.3. Đi ra khỏi sân bay

Sân bay ở các nước phát triển thường có 2 loại cửa để đi ra. Nếu bạn mang theo các mặt hàng thuộc danh mục đánh thuế thì bạn phải đi ra cửa tương ứng để khai báo và đóng thuế. Ngược lại nếu không có các mặt hàng phải đóng thuế thì bạn đi ra cửa Nothing to declare.

Để biết mặt hàng nào thuộc danh mục phải đóng thuế, bạn có thể tìm hiểu trước qua internet hoặc hỏi tại sân bay.

Ra khỏi cửa khai báo thuế là bạn đã đến khu vực chung của nơi đến (Arrival), bạn có thể thuê xe hoặc đi các phương tiện giao thông công cộng để đi tiếp tới. Nếu có người ra đón, tốt nhất là bạn nên hẹn và đứng đợi ngay khi ra khỏi cửa khai báo thuế.

Như vậy là bạn đã hoàn thành những thủ tục tại sân bay. Chúc bạn có một chuyến bay vui vẻ và thuận lợi.